Vườn Tắc
Việc hiểu biết các lại sâu, bệnh hại Cây Tắc giúp Bà con nhà vườn phát hiện và phòng trị kịp thời, bảo vệ cây luôn xanh tốt và cho nhiều quả.
Một số loại sâu gây hại cho Cây Tắc
Sâu Vẽ Bùa: Là một loài sâu hại quan trọng, chúng xuất hiện và gây hại khá phổ biến trên các cây thuộc nhóm Cây Có Múi, trong đó có Cây Tắc khi cây đang ở thời kì ra lá non, hoặc vào những thời điểm sau làm gốc để xử lý cho cây ra trái theo ý muốn.
Cách phòng trừ: Bà con nên điều khiển cho cây ra đọt, lá non tập trung thành từng đợt, để hạn chế nguồn thức ăn liên tục cho sâu trên vườn cây. Đồng thời, Bà con nên xịt thuốc khi trên cây có khoảng 10% số lá bị sâu gây hại trở lên, xịt trực tiếp vào những chỗ có sâu gây hại. Bà con có thể xử dụng một số loại thuốc như: Confidor; Trebon; Bi-58; Bian; Sherpa; Lannate; Cyper; DC-Tron Plus… sau khi xịt đợt 1 có thể xịt thêm 1 – 2 đợt nữa, mỗi đợt cách nhau khoảng 5 – 7 ngày.
Sâu Bướm Phượng: Loài sâu này đẻ trứng rải rác trên các chồi non của cây. Sâu non nở ra ăn lá non và búp, làm cây sinh trưởng chậm, lá bị khuyết nham nhở làm mất vẻ đẹp tự nhiên của cây.
Phòng trừ: Bà con cần thường xuyên kiểm tra các Chậu Tắc, khi mật độ sâu thấp có thể bắt và diệt bằng tay. Khi mật độ sâu cao, dùng một trong các loại thuốc để phun như Ofatox 400 EC, Bassa 50 EC, Karate 2,5 EC…, nồng độ từ 0,1- 0,15%.
Một số loại sâu gây hại cho Cây Tắc
Bù Lạch: Cả con trưởng thành và con ấu trùng của Bù Lạch đều chích hút nhựa của lá non, hoa và trái non, nhất là trên trái non bằng cách ẩn trong các lá đài chích hút phần vỏ gần cuống trái, tạo ra những mảng sẹo màu xám hoặc màu bạc lồi lên trên vỏ trái. Khi trái lớn những sẹo này lộ ra phía ngoài vòng quanh cuống trái thành vòng tròn, làm cho vỏ trái xấu xí, khó bán.
Phòng trừ: Ở những vùng thường bị Bù Lạch gây hại hàng năm, Bà con nên trồng Cây Tắc với mật độ dày hơn. Việc trồng thêm cây che bớt nắng cho Vườn Tắc cũng có tác dụng hạn chế bớt tác hại của Bù Lạch. Khi tưới vườn, nên tưới theo kiểu phun mưa lên cây để rửa trôi bớt Bù Lạch. Nếu vườn thường bị Bù Lạch gây hại có thể sử dụng một trong các loại thuốc như: Confidor 100SL; Regent 5SC; Danitol 10EC; Admire 050EC… phun vào lúc cây ra đọt non, ra hoa kết trái vài lần (mỗi lần cách nhau khoảng 7-10 ngày).
Rệp: Loài này thường gây hại Cây Tắc, chúng hay sống thành từng ổ trên các búp non, chùm hoa và quả non. Rệp chích hút dịch làm lá, búp và quả non phát triển dị dạng.
Phòng trừ: Nếu số lượng Rệp ít có thể ngắt ổ Rệp tiêu huỷ để tránh lây lan. Khi mật độ Rệp cao có thể dùng một trong các loại thuốc để phun trừ như Bassa 50 EC, Betox 5 EC, Karate 2,5 EC…, nồng độ từ 0,1- 0,15%.
Một số loại bệnh gây hại Cây Tắc
Bệnh Ghẻ (bệnh Sẹo): Bào tử nấm thường tồn tại trên lá non, chúng xâm nhập và gây hại chủ yếu trên các phần non của cây như lá, cành và quả. Những lá bị hại phát triển cong về một phía.
Phòng trừ: Bà con cắt tỉa các lá và quả bị bệnh. Khi bệnh nặng có thể dùng các loại thuốc để phun trừ như Daconil 75 WP, Anvil 5 EC, Tilt sunper 300 EC…
Bệnh Thối Gốc và Rễ: Bệnh thường làm cho rễ và phần gốc sát mặt đất Cây Tắc bị thối và chết. Ngoài ra, bệnh còn gây hại trên thân, làm nứt vỏ cây, chảy nhựa màu nâu, dẫn đến chết thân cành.
Một số loại bệnh gây hại Cây Tắc
Phòng trừ: Bà con cần giữ vườn và Chậu Tắc thông thoáng, giữ độ ẩm trong chậu vừa phải, không nên tưới quá đậm.
Bệnh vàng lá Greening: Bệnh do vi khuẩn gram âm tên là Liberobacter asiaticum (Châu Á) sống trong mạch dẫn libe của cây, lây lan qua mắt ghép hoặc do Rầy Chổng Cánh truyền qua.
Phòng trị: Không có thuốc trị bệnh mà chỉ có thể sử dụng tổng hợp nhiều biện pháp đồng bộ và có tính cách rộng rãi trong vùng mới có hiệu quả cao. Trước hết, Bà con cần trồng Giống Cây Tắc sạch bệnh, nếu phát hiện cây bị bệnh cần loại bỏ ngay những cây bị nhiễm bệnh. Bà con có thể sử dụng thuốc hóa học như Applaud 10BHN,Applaud MIPC 25% BTN,Bassa,Trebon…Phun định kỳ bảo vệ các đợt lá non, nhất là vào mùa xuân hay đầu mùa mưa.